Kết quả cuộc chiến Chiến_tranh_biên_giới_Việt–Trung_1979

Tuy Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến nhưng cả hai bên đều phải chịu thiệt hại nặng nề về người và của.[76] Cuộc chiến đặc biệt để lại nhiều tác hại lớn cho phía Việt Nam, đặc biệt là nền kinh tế. Ngoài các thương vong về con người, tổn thất cụ thể về cơ sở vật chất hạ tầng ở 6 tỉnh biên giới bị phá hủy do trận chiến, Việt Nam còn phải gánh chịu nhiều khó khăn, thiệt hại do thái độ và chính sách thù địch, vây hãm mà Trung Quốc và đồng minh của Trung Quốc gây ra trên các mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao,...

Thương vong và thiệt hại

Tướng Ngũ Tu Quyền (伍修权), Phó Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng Trung Quốc, tuyên bố rằng số quân Việt Nam bị chết và bị thương là 50.000, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là 20.000.[107] Một nguồn khác của Trung Quốc thống kê tổn thất của quân Trung Quốc là 8.531 chết và khoảng 21.000 bị thương.

Theo nhà sử học Gilles Férier thì có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng và gần 500 xe bọc thép hoặc pháo bị phá hủy, con số này phía Việt Nam cũng là gần tương tự nhưng thấp hơn một chút.[108][109] Russell D. Howard cho rằng quân Trung Quốc thương vong 60.000 người, trong đó số chết là 26.000,[110] một số nguồn khác cũng đồng ý với con số thương vong ít nhất khoảng 50.000 của phía Trung Quốc.[24][111] Nguồn của King Chen nói rằng riêng tại các bệnh viện lớn ở Quảng Tây đã có ít nhất 30.000 thương binh Trung Quốc.[107]

Tháng 4 năm 1979, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam ước lượng tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người.[112] Phía Việt Nam có hàng nghìn dân thường chết và bị thương, theo tạp chí Time thì có khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng (con số này phía Trung Quốc là trên 20.000).[76] Phía Trung Quốc bắt được khoảng 1.600 tù binh trong tổng số hơn 50.000 quân Việt Nam tham chiến tại mặt trận Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn.[113]

Theo tuyên bố của Việt Nam, kết quả chiến đấu của họ như sau:

  • Mặt trận Lạng Sơn: diệt 19.000 lính Trung Quốc, phá hủy 76 xe tăng, xe thiết giáp và 52 xe quân sự, 95 khẩu pháo cối và giàn phóng hỏa tiễn, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 4 tiểu đoàn (có hơi khác biệt so với ký sự Sư đoàn Sao Vàng). Về phía Việt Nam tại mặt trận này, sư đoàn 3 bị tổn thất khoảng 660 chết và 840 bị thương, sư đoàn 337 tổn thất khoảng 650 tử trận, sư đoàn 338 tổn thất khoảng 260 tử trận, sư đoàn 327 chưa có số liệu. 20 cá nhân và 14 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đoàn 5 được mang danh hiệu “Binh đoàn Chi Lăng”, Sư đoàn 337 được tặng danh hiệu “Sư đoàn Khánh Khê”.[114]
  • Mặt trận Cao Bằng: diệt 18.000 lính Trung Quốc, phá hủy 134 xe tăng, thiết giáp và 23 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn. 5 cá nhân và 17 đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sư đoàn 311 được mang danh hiệu “Sư đoàn Đông Khê”; Trung đoàn 567 được nhân dân địa phương tặng danh hiệu “Trung đoàn Khâu Chỉa”, “Trung đoàn Phục Hòa”.[114]
  • Mặt trận Hoàng Liên Sơn (Lào Cai): diệt 11.500 lính Trung Quốc, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn. 12 cá nhân và 6 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.[115]
  • Mặt trận Quảng Ninh, Lai ChâuHà Tuyên (Hà Giang): diệt 14.000 lính Trung Quốc, phá hủy 4 xe tăng, thiết giáp, 6 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn. 11 cá nhân và 6 đơn vị chiến đấu trên hướng Lai Châu, 2 cá nhân và 5 đơn vị chiến đấu trên hướng Quảng Ninh, 1 cá nhân và 1 đơn vị công an biên phòng tại Hà Tuyên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo nguồn của Trung Quốc, tại mặt trận Lạng Sơn, họ bị tổn thất 1.271 lính tử trận và 3.779 lính bị thương.[116] Tại mặt trận Lào Cai, họ bị tổn thất 7.886 lính (bao gồm 2.812 tử trận). Chưa có thống kê chi tiết của Trung Quốc về thương vong tại mặt trận Cao Bằng, Đông KhêMóng Cái.

Cuộc chiến cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp.[108] Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống. Để được Liên Xô tăng cường viện trợ, từ 27 tháng 3 năm 1979, Việt Nam quyết định cho tàu quân sự Liên Xô đóng ở cảng Cam Ranh.[84] Về phía Trung Quốc, cuộc chiến ngắn ngày đã tiêu tốn của nước này khoảng 1,3 tỷ USD và làm ảnh hưởng lớn tới quá trình cải tổ kinh tế.[117]

Về lâu dài, cuộc chiến mở đầu cho hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và xung đột vũ trang dọc biên giới giữa hai quốc gia, buộc Việt Nam phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ dọc biên giới, gây hậu quả xấu đến nền kinh tế. Sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng biên giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều cột mốc biên giới cũng bị quân Trung Quốc phá hủy, gây khó khăn cho việc hoạch định biên giới sau này.

Đánh giá

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng.

  • Phía Việt Nam: Lời nói đầu Hiến pháp Việt Nam năm 1980 khẳng định "Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình".[118]
  • Phía Trung Quốc: Đặng Tiểu Bình khẳng định mặc dù có nhiều thất bại về quân sự nhưng Trung Quốc "đã đạt được chiến thắng về chính trị và chiến thắng chung cuộc". Ông còn khẳng định quân Trung Quốc "đã có thể tiến thẳng tới Hà Nội nếu muốn". Quan điểm ít phổ biến hơn là của Trần Vân (Phó Thủ tướng, một trong 5 nhân vật quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân LaiChu Đức) cho rằng việc chiếm được Hà Nội không phục vụ được mục đích gì, cuộc chiến sẽ có chi phí nặng nề quá sức chịu đựng nếu kéo dài thêm 6 tháng nữa, và vì lý do tài chính không nên lặp lại một cuộc chiến không phân thắng bại như vậy.[107]

Trong bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình tại hội nghị quân chính nội bộ ngày 16-4-1979 (sau khi rút quân về nước 1 tháng), Đặng Tiểu Bình chỉ trích gay gắt các quan chức chính quyền và các lãnh đạo quân đội về những sai lầm trong chiến dịch: "Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1…" nhưng "…thương vong của chúng ta gấp 4 lần so với Việt Nam. Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt” (ý nói về uy thế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc).[119]

Tướng Trương Chấn - Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần - nhớ lại rằng, vấn đề tồi tệ nhất gặp phải trong giai đoạn Trung Quốc chuẩn bị chiến đấu là sự thiếu đạn dược và chất lượng kém. Kiểm tra ban đầu cho thấy rằng không ít đạn pháo xịt, và 1/3 số lựu đạn lép. Trong cuộc chiến, trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc tiêu thụ đạn dược và nhiên liệu là 700 tấn cho mỗi loại. Tính tổng cộng cả cuộc chiến, Trung Quốc đã sử dụng tới 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn cá nhân và nhiều loại trang bị cá nhân. Với một số lượng đáng kể các thiết bị kỹ thuật quân sự, Trung Quốc bị thiếu kỹ sư bảo trì. Do thiếu xe vận tải và đường sá kém, Trung Quốc phải huy động hàng chục vạn dân công nhưng vẫn không vận chuyển kịp hàng hóa, hệ thống cung cấp luôn trong tình trạng quá tải, làm giảm đáng kể hiệu quả chiến đấu của binh lính và vũ khí trên chiến trường.[120]

H. Kissinger đánh giá về cuộc chiến tranh này: "Yếu tố ý thức hệ đã biến mất khỏi xung đột. Các trung tâm quyền lực của phong trào cộng sản cuối cùng đã tiến hành chiến tranh giành thế cân bằng quyền lực không phải căn cứ vào ý thức hệ mà hoàn toàn xuất phát từ lợi ích dân tộc".[18]

Theo đánh giá của tác giả King C. Chen,[107] quân Trung Quốc có lẽ đã đạt được 50 – 55% các mục tiêu có giới hạn của mình.[121] Bên cạnh thành công trong việc bám theo được khá sát các kế hoạch tiến quân và rút quân,[121] quân Trung Quốc đã không đạt được kết quả như các mục tiêu đã công bố: họ đã không tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam; không chấm dứt được xung đột có vũ trang tại vùng biên giới; không buộc được Việt Nam rút quân khỏi Campuchia;[122] không gây được ảnh hưởng lên chính phủ Việt Nam trong vấn đề Hoa kiều.[123]

Điểm yếu của quân Trung Quốc là vũ khí và phương tiện lạc hậu. Ngoài ra, họ đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Việt Nam. Cuối tháng 12 năm 1978, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Túc Dụ (粟裕) báo cáo tại Kì họp thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng chỉ cần dùng một phần lực lượng của các quân khu Quảng ChâuCôn Minh là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần. Trong thực tế, quân Trung Quốc đã cần tới 16 ngày với 10 sư đoàn từ 6 quân khu (lực lượng bằng tổng hai quân khu Quảng Châu và Côn Minh) để đánh chiếm thị xã Lạng Sơn, một thị xã chỉ cách biên giới 15 km và còn cách xa Hà Nội tới 135 km. Trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc chỉ tiến được 0,9 km và họ đã mất 16 ngày chỉ để chiếm được 1/10 quãng đường tới Hà Nội.[124] Sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu và tinh thần kém cũng nằm trong các điểm yếu của quân Trung Quốc.[122]

Về quân sự, tác giả Edward C. O'Dowd[125] đánh giá rằng quân Trung Quốc đã thể hiện trình độ chiến đấu kém trong cuộc chiến. Tại Lạng Sơn, 2 quân đoàn Trung Quốc đã bị một trung đoàn Việt Nam cầm chân trong 1 tuần, một quân đoàn khác cần đến 10 ngày để lấy Lào CaiCam Đường - hai đô thị cách biên giới không đến 15 km. Trung Quốc chiếm Cao Bằng vất vả đến mức cần ít nhất 2 quân đoàn để tiếp tục tấn công một thị xã mà Trung Quốc tuyên bố đã chiếm được. Tại Quảng Ninh, một trung đội Việt Nam đã cầm chân 5 tiếng đồng hồ một trung đoàn Trung Quốc đang trên đường chiếm núi Cao Ba Lanh giáp biên giới, gây thương vong cho 360 trong quân số 2.800 của trung đoàn này. Những tổn thất nhân mạng như vậy lặp lại trên toàn mặt trận và đem lại ít hiệu quả. Quân Trung Quốc đã không sử dụng được số quân đông một cách hiệu quả bằng các chiến thuật thích hợp và do đó không thể đạt được tốc độ hành binh như mong muốn của chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" (速战速决 tốc chiến tốc quyết). Đây là hậu quả của sự lạc hậu về chiến thuật tác chiến của quân đội Trung Quốc vốn gần như không được cải thiện kể từ sau chiến thuật biển người ở chiến tranh Triều Tiên những năm 1950. Thất bại về mặt chiến thuật đã buộc Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội nước này.[84]

Trên phương diện quan hệ quốc tế, cuộc chiến Việt-Trung cho thấy rằng Trung Quốc, với sự ủng hộ từ phía Hoa Kỳ, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Việt Nam - một quốc gia cộng sản từng là đồng minh trong nhiều năm. Kết quả chiến tranh cũng cho thấy Việt Nam đủ sức chống lại sự can thiệp quân sự đó mà không phải điều động quân chủ lực từ biên giới Tây Nam và miền Nam Việt Nam. Những sự kiện từ cuộc chiến cho thấy mối quan hệ ngoại giao phức tạp Liên XôTrung QuốcViệt Nam với kết quả là Trung Quốc không thể tung toàn bộ lực lượng vào cuộc chiến nhằm "dạy cho Việt Nam một bài học" vì chịu sức ép từ phía Liên Xô, đồng thời Liên Xô cũng không sẵn sàng tung quân đội vào tham chiến bảo vệ đồng minh mà chỉ tập trung viện trợ kinh tế, quân sự. Điều này đã khiến cho rất nhiều người Việt Nam sau đó nghi ngờ về đồng minh Liên Xô cũng như đối với Liên Xô thật sự là một sự thất bại về uy tín.[126] Kết quả cuộc chiến cũng cho thấy Trung Quốc bất lực trong việc hỗ trợ đồng minh Khmer Đỏ trong cuộc chiến với Việt Nam và thất bại trong việc điều chỉnh quan hệ ngoại giao để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.[24][111]

Nhiều quan điểm khác cho rằng Trung Quốc đã thất bại về quân sự nhưng lại đạt được một số thành công về chiến lược, trong đó có việc chứng tỏ cho các nước Đông Nam Á rằng họ sẵn sàng dùng vũ lực nếu vị thế và uy lực của mình bị thách thức.[50]

Tiến sĩ Trương Hiểu Minh (Xiaoming Zhang), từ trường Air War College, Hoa Kỳ, là tác giả cuốn sách Deng Xiaoping's Long War: The Military Conflict between China and Vietnam 1979 – 1991 ra mắt năm 2015, đánh giá "Đối với Đặng, dạy Việt Nam "bài học" là thông điệp không chỉ gửi cho Việt Nam mà cả cho Liên Xô, Mỹ và các nước phương Tây. Phản ứng của Việt Nam trước cuộc xâm lược là phòng thủ biên giới phía bắc, tiếp tục chính sách thù địch với Trung Quốc, dựa vào Liên Xô để có hỗ trợ tài chính và kinh tế. Để đáp lại, Mỹ và phương Tây từ 1979 có vẻ quan tâm hơn việc cung cấp hỗ trợ tài chính và công nghệ giúp Trung Quốc cải cách kinh tế. Mỹ không còn nghĩ Trung Quốc là đe dọa, tuy chưa phải là đồng minh. Vì thế Mỹ có thể dốc toàn lực để đánh bại Liên Xô trong thập niên cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Bên trong Trung Quốc, Đặng không chỉ củng cố được quyền lực chính trị mà cũng thực hiện cả nghị trình cải tổ kinh tế. Liên Xô ở trong tình thế nhiều khó khăn trong thập niên cuối của Chiến tranh Lạnh. Vừa phải cạnh tranh với Mỹ trên toàn cầu, Moskva cũng đối diện thách thức của Trung Quốc ở châu Á. Từ góc nhìn chiến lược, cả Việt NamLiên Xô đều gặp khó khăn hơn Trung Quốc. Vì thế Liên Xô rốt cuộc nhận ra họ không thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vào cuối thập niên 1980. Việt Nam phải tìm đến Trung Quốc, thừa nhận sai lầm chính sách từ 1978. Rốt cuộc, Trung Quốc đã vượt mặt Việt Nam cả về chính trị và chiến lược".[49]

Báo Nhân dân trích lại quan điểm của một người nghiên cứu Chủ nghĩa Xã hội tại Campuchia khi đó: "Thế là rõ cả. Có người cách mạng nào trên thế giới đến nay còn phân vân những người lãnh đạo Trung Quốc có còn là cách mạng không? Tiến công Việt Nam, chúng nó vứt hết mọi mặt nạ giả dối, hiện ra nguyên hình là bọn đế quốc mới, bọn phản cách mạng, và cái chế độ Xã hội Chủ nghĩa của chúng chỉ là giả hiệu!" [127]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_biên_giới_Việt–Trung_1979 ftp://coombs.anu.edu.au/coombspapers/otherarchives... http://books.google.com.au/books?id=vY4tBfqGvZ4C&p... http://books.google.com.au/books?lr=&output=html&i... http://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw/s2510/t537813.htm http://www.atimes.com/article/breaking-taboo-vietn... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38989496 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39760652 http://tunguyenhoc.blogspot.com/2013/05/loi-keu-go... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/546248 http://books.google.com/books?id=EBG-tlT4MN4C